Từ khóa là gì? Cách phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu
Noka Marketing

Từ khóa là gì? Cách phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu

Từ khóa là gì? Cách phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu

Bạn là người mới bước chân vào kinh doanh online, bạn muốn bắt đầu xây dựng cho riêng mình một doanh nghiệp trên internet? bạn mới bước chân vào lĩnh vực Marketing online? … thì chắc hẳn bạn đã từng thắc mắc rằng từ khóa là gì? Cách phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu như thế nào?

Với xu hướng kinh doanh online đang phát triển như vũ bão hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online. Người người, nhà nhà đua nhau lập website, chạy quảng cáo để bán hàng online.

Tuy nhiên có một sự thực mà rất ít người tiết lộ với bạn rằng khoảng 80% những người mới bước chân vào kinh doanh online đều bị thua lỗ, rơi vào tình trạng bối rối, không biết nên bắt đầu từ đâu và như thế nào vì có quá nhiều việc cần phải làm.

Rất nhiều người kinh doanh trên internet hiện nay đang lâm vào tình trạng thua lỗ, không có khách hàng vì bản thân họ chưa nắm được một trong những điều cơ bản và quan trọng nhất khi kinh doanh trên internet chính là phân tích từ khóa do đó họ không có được lượt truy cập và không có được khách hàng tiềm năng.

Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu, để cho dù bạn là người mới cũng có thể từng bước thực hiện để phát triển công việc kinh doanh trên internet hoặc làm marketing online được thuận lợi hơn.

1. Từ khóa là gì? và tầm quan trọng của việc phân tích từ khóa.

Từ khóa là gì?

Từ khóa (hay còn gọi là keyword) chính là từ (từ khóa ngắn) hoặc cũng có thể là cụm từ (từ khóa dài) mà người dùng sẽ nhập vào mục tìm kiếm trên Google để tìm kiếm câu trả lời, giải pháp cho điều mà họ đang quan tâm.

Phân tích từ khóa (Keyword Research) là quá trình chúng ta sử dụng các công cụ (miễn phí hoặc trả phí) cùng với các thủ thuật, kết hợp với kinh nghiệm, khả năng phân tích,… để tìm và lập ra được một danh sách các từ khóa tiềm năng để sử dụng cho việc SEO web.

 

Từ khóa là gì và tầm quan trọng của việc phân tích từ khóa

Sau khi có được danh sách các từ khóa tiềm năng, chúng ta sẽ bắt đầu lên kế hoạch để thiết kế trang web, xây dựng nội dung, tối ưu SEO,… và bắt đầu bước vào hành trình kinh doanh online.

Tầm quan trọng của việc phân tích từ khóa.

Việc nghiên cứu từ khóa là vô cùng quan trọng, việc thất bại hay thành công trong việc SEO web, làm Marketing online hay kinh doanh online đều bắt đầu từ việc nghiên cứu và phân tích từ khóa.

Nếu ngay từ đầu khâu này chúng ta làm không tốt thì ngoài việc không có hiệu quả ra, chúng ta còn tốn kém rất nhiều tiền bạc, mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, trước khi bắt đầu vào xây dựng website chúng ta nên dành thời gian cho công đoạn này một cách nghiêm túc.

Nghiên cứu từ khóa giúp  xây dựng cấu trúc website tối ưu hơn

Nghiên cứu từ khóa cũng giúp chúng ta hiểu được những mong muốn, khát khao, vấn đề, nỗi đau mà người dùng đang gặp phải, qua đó giúp chúng ta xây dựng được nội dung phù hợp hơn, chất lượng hơn và đem lại tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Ngoài ra việc nghiên cứu từ khóa cũng sẽ cho chúng ta thấy được dung lượng của thị trường thông qua số lượng người đang tìm kiếm những thông tin ấy.

Phân tích từ khóa cũng giúp chúng ta vạch ra các chiến lược và đi đúng định hướng trong quá trình Seo Website.

Phân tích từ khóa giúp đánh giá và ước lượng được thời gian thực hiện các chiến lược để bám sát mục tiêu đề ra.

Phân tích từ khóa đúng sẽ giúp tiếp cận khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, giảm chi phí, rút ngắn thời gian đồng thời đem lại hiệu quả tốt hơn trong công việc.

Việc thiếu kiến thức về việc nghiên cứu từ khóa có thể khiến chúng ta nhầm lẫn và lựa chọn các từ khóa không đúng mục tiêu, gây lãng phí và mất thời gian.

Một sai lầm khá phổ biến hiện nay đó là nhiều người tiến hành làm website trước, sau đó nghĩ đại trong đầu 1 từ khóa bất kỳ để viết nội dung và tối ưu SEO.

Đây là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng làm tốn thời gian, tiền bạc và chắc chắn sẽ không bao giờ thu được kết quả.

Có những loại từ khóa nào?

Khi tiến hành phân tích từ khóa chúng ta sẽ thấy có rất nhiều loại từ khóa khác nhau. Tuy nhiên, thông thường từ khóa sẽ được phân làm các loại như sau:

- Từ khóa thương hiệu: Đây là loại từ khóa có sự xuất hiện của thương hiệu sản phẩm hoặc doanh nghiệp, ví dụ như: Ô tô Vinfast, điện thoại Samsung, máy ảnh Canon, máy tính Phong Vũ,…

- Từ khóa sản phẩm, dịch vụ: Loại từ khóa này sẽ miêu tả chính xác thông tin sản phẩm/ dịch vụ mà khách hàng đang có nhu cầu hoặc đang tìm kiếm: Iphone 12 64G, Điện thoại Xiaomi S9, Mercedes C300, vệ sinh điều hòa,…

- Từ khóa thông tin, hỏi đáp: Đây là loại từ khóa rất phổ biến hiện nay. Loại từ khóa này thường sẽ liên quan đến chất lượng dịch vụ/ sản phẩm, cách phục vụ, thái độ, uy tín của sản phẩm, giá cả,… Loại từ khóa này sẽ thường phục vụ cho các bài viết review sản phẩm. Ví dụ như: Mua laptop ở đâu rẻ nhất? Sửa điện thoại ở đâu uy tín? Nên mua điện thoại xách tay loại nào?…

- Từ khóa vị trí: Đây là loại từ khóa chính đi cùng với vị trí các vị trí mà người dùng muốn tập trung tìm kiếm. Ví dụ: Mì quảng nổi tiếng nhất Sài Gòn, Salon tóc đẹp uy tín nhất tại quận 9, nhà hàng Pháp ở quận 2,…

- Từ khóa dài (long tail keyword): Là những từ khóa ít được tìm kiếm hơn so với từ khóa ngắn, độ cạnh tranh thấp. Tuy nhiên từ khóa này sẽ phản ánh mức độ quan tâm, nhu cầu về sản phẩm/ dịch vụ cao hơn rất nhiều so với từ khóa dài, do đó tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng với loại từ khóa này thường khá cao. Ví dụ: Nhà phố diện tích 150m2 ở Thủ Đức, đất nền dưới 300 triệu ở Dĩ An,…

- Từ khóa ngắn (short tail keyword): là những từ khóa được tìm kiếm nhiều, độ cạnh tranh cao, nhưng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tương đối thấp. Ví dụ: Lịch để bàn, điện thoại Iphone, xe máy điện,…

- Từ khóa liên quan: có thể là từ khóa ngắn, cũng có thể là từ khóa dài.

2. Các bước phân tích từ khóa dành cho một người mới bắt đầu

Nếu bạn là một người mới, tôi phải thú thật với bạn rằng trong thực tế không có một công thức chuẩn nào đối với việc nghiên cứu và phân tích từ khóa cả, tất cả đều mang tính chất tương đối mà thôi.

 

Phân tích từ khóa dành cho một người mới bắt đầu sẽ phải trải qua 5 bước

Việc nghiên cứu và phân tích từ khóa còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, mục đích sử dụng, cách thức phát triển website, loại hình sản phẩm/ dịch vụ sẽ cung cấp,… đồng thời còn phải xét đến yếu tố kinh nghiệm khi lựa chọn từ khóa nữa.

Tuy nhiên, thông thường thì quá trình phân tích từ khóa sẽ cần trải qua các bước sau đây:

Bước 1: Xác định lĩnh vực kinh doanh mà bạn muốn phát triển website để kinh doanh.

Nghe thì có vẻ là buồn cười, vì nhiều người cho rằng lĩnh vực nào cũng có thể xây dựng website và phát triển công việc kinh doanh! Tuy nhiên bạn cần phải hiểu rằng, mỗi lĩnh vực kinh doanh sẽ có những đặc thù riêng, do đó cách thức xây dựng và phát triển website, cách thức làm SEO web cũng sẽ có những điểm khác nhau nhất định.

Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Chúng ta sẽ quay lại với khách hàng tiềm năng.

Rõ ràng là với mỗi lĩnh vực kinh doanh khác nhau thì hành vi của khách hàng tiềm năng khi tiếp cận và mua hàng cũng sẽ có sự khác nhau, đồng thời tỷ lệ chuyển đổi cũng sẽ khác nhau.

Trong trường hợp nếu bạn đã có sản phẩm hoặc dịch vụ để triển khai rồi thì mọi việc sẽ đơn giản hơn. Vì lúc này chúng ta đã biết được chúng ta đang bán cái gì? Và khách hàng mục tiêu của chúng ta là ai.

Bước 2: Xác định các từ khóa hạt giống

Chúng ta có thể tự tìm hiểu thông tin, đặt mình vào vị trí khách hàng, hãy suy nghĩ như một khách hàng xem với các vấn đề, mong muốn như vậy họ sẽ nhập từ gì vào trong ô tìm kiếm của Google?

Với mỗi từ khóa chúng ta có thể tùy biến linh hoạt thành 2-3 từ khóa với cách diễn đạt khác nhau với cùng một ý nghĩa.

Ví dụ: chúng ta muốn làm website để cung cấp các kiến thức liên quan đến việc học tiếng Trung đồng thời bán thêm các khóa học tiếng Trung online thì chúng ta có thể sẽ có một số từ khóa hạt giống như là: Học tiếng Trung, học tiếng Trung cơ bản, học tiếng Trung giao tiếp,…

Đây là cách mà chúng ta đang mổ xẻ từ khóa bằng cách đi từ phạm vi rộng (Tiếng Trung) sau đó đi sâu vào các khía cạnh xoay quanh từ khóa đó để tiếp tục có được các từ khóa nhỏ hơn.

 

 

Xác định các từ khóa hạt giống khi phân tích từ khóa

Chúng ta cũng có thể lên trên Google, Youtube, … nhập vào các từ khóa này để xem Google sẽ đưa ra những gợi ý nào cho chúng ta để bổ sung vào danh sách từ khóa hạt giống.

Bước 3: Nghiên cứu và kiểm tra độ cạnh tranh của từ khóa (độ khó)

Lúc này chúng ta sẽ cần phải thực hiện các hành động sau:

- Xem xét các từ khóa được gợi ý, các từ khóa liên quan đến từ khóa hạt giống đã nêu ra ở trên.

- Xem xét lượng tìm kiếm mỗi tháng của các từ khóa là cao hay thấp? Tăng hay giảm?

- Mức độ liên quan đến từ khóa muốn nhắm tới,…

- Xem xét mức độ cạnh tranh của từ khóa

Xem thêm: NHỮNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ MỘT WEBSITE CHUẨN SEO CỦA GOOGLE?

Bước 4: Chọn và phân nhóm từ khóa

Sau khi trải qua các bước trên, chúng ta đã có được một danh sách với rất nhiều từ khóa liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của chúng ta đang triển khai.

Thông thường chúng ta sẽ chọn các từ khóa dài, vì với các từ khóa ngắn chỉ với 2-3 từ sẽ rất khó để SEO vì mức độ cạnh tranh là rất lớn.

Sau khi lựa chọn được các từ khóa ưng ý, chúng ta sẽ phải phân nhóm từ khóa để thuận tiện hơn trong việc xây dựng nội dung. Ngoài việc phân loại từ khóa theo các loại đã được đề cập ở trên, để tối ưu nhất chúng ta sẽ phân từ khóa ra làm 3 nhóm theo mức độ hành vi của khách hàng tiềm năng như sau:

- Từ khóa có ý định mua hàng (Buyer Keyword): Đây là nhóm từ khóa mà người dùng có xu hướng sẵn sàng trả tiền ngay để sử dụng dịch vụ/ sản phẩm. Nhóm từ khóa này cho thấy khách hàng sẽ có tỷ lệ chuyển đổi rất cao.

- Từ khóa thông tin (Information keywords): Đây là nhóm từ khóa cho thấy hành vi người dùng hiện tại chỉ mới dừng lại ở mức có nhu cầu tìm kiếm thông tin về thương hiệu, dịch vụ, sản phẩm (liên quan đến những gì mới mẻ). Nhóm khách hàng sử dụng loại từ khóa này có tỷ lệ chuyển đổi không cao.

- Tire Kicker Keywords: Đây là nhóm từ khóa mà người dùng sử dụng để tìm kiếm thứ gì đó để download, hoặc nhận miễn phí trên Internet.

Với ví dụ cho website học tiếng Trung ở trên chúng ta sẽ có các nhóm như sau:

- Từ khóa có ý định mua hàng (Buyer Keyword): Khóa học tiếng Trung online, trung tâm dạy tiếng Trung ở Hồ Chí Minh, dạy kèm tiếng Trung tại nhà,… Rõ ràng người dùng thể hiện nhu cầu mua hàng rất cao và sẵn sàng chi tiền để thỏa mãn nhu cầu của họ.

- Từ khóa thông tin (Information keywords): Group luyện nói tiếng Trung tại Sài Gòn, Bí quyết luyện nghe tiếng Trung, cách học tiếng Trung qua Youtube,… Người dùng chỉ đang tìm kiếm các thông tin để tham khảo mà thôi.

- Tire Kicker Keywords: Tài liệu luyện nghe tiếng Trung miễn phí, Ebook từ vựng tiếng Trung,… Người dùng đang tìm kiếm những gì miễn phí liên quan đến tiếng Trung.

Bước 5: Định hướng phát triển nội dung cho từng nhóm

Định hướng này sẽ phụ thuộc vào mục tiêu và nguồn lực của chúng ta để triển khai.

Nếu chúng ta cần đánh nhanh và mạnh để đi trước đối thủ và chiếm lĩnh thị trường, đồng thời có nguồn lực mạnh thì nên triển khai song song cho cả 3 nhóm từ khóa.

Nếu chúng ta không có đủ nguồn lực để dàn trải và cần tạo ra doanh thu sớm nhất có thể thì nên tập trung vào nhóm từ khóa có ý định mua hàng để tập trung tối đa cho nhóm khách hàng có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất.

Như vậy sau khi nghiên cứu từ khóa xong, chúng ta sẽ bắt đầu bước sang một công đoạn phức tạp và đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức đó là xây dựng nội dung cho các từ khóa đã có để tiến hành SEO web.

3. Cách sử dụng công cụ để phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu

Hiện nay có rất nhiều công cụ để chúng ta có thể sử dụng cho việc nghiên cứu và phân tích từ khóa. Một số công cụ cho người dùng sử dụng miễn phí, một số công cụ cao cấp hơn sẽ yêu cầu người dùng phải trả một khoản phí nhất định hàng tháng hoặc theo năm để sử dụng được đầy đủ các tính năng của công cụ (tùy theo nhu cầu sử dụng nhiều hay ít để lựa chọn các gói dịch vụ khác nhau với chi phí khác nhau.

Đối với một người mới bắt đầu làm SEO web, làm kinh doanh online hay làm Marketing thì mình có lời khuyên là chưa cần phải dùng đến các công cụ trả phí làm gì. Chỉ cần sử dụng các công cụ miễn phí cũng đã giúp được rất nhiều cho chúng ta trong việc phân tích từ khóa.

Có 2 loại công cụ hiện nay đang được sử dụng rất phổ biến là:

- Google Keyword Planner: Cho người dùng sử dụng miễn phí

- KWFinder Planner: Người dùng phải trả phí để được sử dụng

Trong bài viết hôm nay, mình sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết cách sử dụng công cụ Google Keyword Planner để tiến hành nghiên cứu, phân tích và lựa chọn từ khóa.

Bước 1: Đăng ký tài khoản Google Keyword Planner

- Lập một tài khoản Email: để tạo tài khoản Google Ads.

- Lập một tài khoản Google Adwords: Đăng ký ở link sau https://ads.google.com/home/

- chuẩn bị sẵn thẻ Visa hoặc thẻ Mastercard

Chọn “Bắt đầu” và đăng nhập tài khoản bằng Email ở trên, sau đó hãy tạo chiến dịch Google Ads và Add thẻ Visa / Master vào nhé.

Bước 2: Bắt đầu thao tác với công cụ Google Keyword Planner

Nhấp chuột vào Công cụ  => Lập kế hoạch => Công cụ lập kế hoạch từ khóa

 

Giao diện công cụ Google Keyword Planner để phân tích từ khóa

Tại đây, với tài khoản mới lần đầu đăng nhập, google sẽ yêu cầu xác nhận, sau đó chỉ cần chọn “ Bắt đầu” thì sẽ xuất hiện như hình bên dưới.

 

Nghiên cứu từ khóa với Google Keyword Planner

Bước 3: Nhập thông tin từ khóa muốn nghiên cứu

Ở đây chúng ta sẽ lấy ví dụ cho từ khóa “học tiếng Trung”.

Bấm vào Khám phá các từ khóa mới.

Ở ô tìm kiếm, nhập vào từ khóa “học tiếng Trung” => bấm vào Xem kết quả

 

Phân tích từ khóa với công cụ Google Keyword Planner

Lưu ý là chúng ta có thể nhập cùng lúc nhiều từ khóa vào ô tìm kiếm và được cách với nhau bằng dấu phẩy để Google tìm kiếm và cung cấp cho chúng ta các từ khóa liên quan. Ví dụ: Học tiếng Trung online, học tiếng Trung cho người đi làm,…

Google Keyword Planner trả về các thông số sau khi chúng ta nhập từ khóa

Với Google Keyword Planner sẽ cung cấp cho chúng ta các thông tin như:

- Lượng tìm kiếm của khách hàng về từ khóa,

- Xu hướng tìm kiếm tăng hay giảm

- Giá thầu quảng cáo

- Các từ khóa liên quan với từ khóa đang tìm kiếm.

- Mức độ cạnh tranh là cao hay thấp.

Ngoài ra, chúng ta có thẻ sử dụng bộ lọc để lọc ra các kết quả phải chứa chính xác một từ hoặc một cụm từ nào đó. Như hình bên dưới mình muốn từ khóa phải có chính xác từ “học tiếng trung”, hoặc chúng ta cũng có thể lọc các từ khóa không chứa từ hoặc cụm từ nào đó mà chúng ta muốn.

 

Sử dụng bộ lọc trên Google Keyword Planner

Một điều đặc biệt nữa là chúng ta có thể sắp xếp theo sự liên quan, hoặc sắp xếp theo kiểu từ cao tới thấp,… bằng cách nhấp chuột vào cột mà chúng ta muốn sắp xếp.

 

Sắp xếp lại số lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng theo kiểu từ thấp đến cao

Bước 4: Lựa chọn từ khóa

Keyword planner đưa ra rất nhiều ý tưởng từ khóa tương ứng với mỗi từ khóa mà chúng ta tìm kiếm, tuy nhiên không phải tất cả từ khóa trong số này sẽ được chọn để tiến hành xây dựng nội dung cho website.

Để chọn được những từ khóa phù hợp, chúng ta cần phải kết hợp các điều kiện sau:

- Số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng: Chúng ta chỉ cần quan tâm tới những từ khóa có số lượt tìm kiếm đủ lớn. Vì nó cho thấy volume thị trường là lớn hay nhỏ, với những từ khóa có số lượt tìm kiếm nhỏ nghĩa là có rất ít người quan tâm. Như vậy không đáng để chúng ta phải xây dựng nội dung cho số ít, hãy hướng đến số đông ngoài kia.

- Xu hướng tìm kiếm tăng hay giảm: Nó phản ánh sự tăng trưởng của nhu cầu tìm kiếm về từ khóa đó. Xu hướng có thể tăng, giảm hoặc ổn định. Tuy nhiên nếu xu hướng tìm kiếm giảm thì chúng ta cần phải cân nhắc, có thể đã hết trend!

- Từ khóa dài: Với website mới, tôi khuyến cáo nên chọn những từ khóa dài có 4 từ trở lên để xây dựng nội dung nhằm giảm sự cạnh tranh đến từ đối thủ. Đồng thời với từ khóa dài, chúng ta đang tập trung vào đối tượng mục tiêu có nhu cầu thực sự, có vấn đề cần được giải quyết cấp bách hơn.

- Từ khóa có ý định mua hàng (Buyer keywords): Hãy ưu tiên chọn những từ khóa thuộc nhóm này. Đây là từ khóa tập trung đến những người dùng có nhu cầu cao, có hành vi sẵn sàng chi tiền ngay, tỷ lệ chuyển đổi rất cao, giúp chúng ta có được doanh thu sớm.

Như vậy là qua bài viết này, tôi đã chia sẻ cho bạn hiểu được từ khóa là gì? Cũng như cách thức để phân tích từ khóa dành cho người mới bắt đầu một cách rất chi tiết để bạn có thể từng bước làm theo và áp dụng được ngay vào trong công việc, giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức để đạt được hiệu quả cao hơn.

 

NOKA MARKETING

Website: Nokamarketing.com

Email: Khanhvo@nokamarketing.com

Sdt/zalo: 0901 634 434 - Khánh

Fanpage: Dịch vụ Quảng Cáo Marketing

Zalo
Hotline
Close menu
Go Top